Vẹt xích thái hay vẹt má vàng là loài vẹt nhỏ đuôi dài, thông minh, nói tốt, được rất nhiều người ưu chuộng nuôi làm thú cưng. Hãy cùng Dạy Vẹt Nói tìm hiểu chi tiết về loài vẹt này nhé!
1. Nguồn gốc và thể trạng vẹt xích thái
Vẹt xích thái hay vẹt má vàng hoặc Vẹt Thai rose-ringed parakeet có tên khoa học là Psittacula eupatria siamensis, thuộc chi psittacula, Tông Psittaculini, Phân họ Psittaculinae, Họ Psittaculidae, Liên họ Psittacoidea (vẹt “thực sự”).
Vẹt má vàng có nguồn gốc chủ yếu từ các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan. Nó nhỏ hơn các loài vẹt xích khác, và các đốm màu đỏ trên cánh nhạt hơn vẹt xích myanmar và vẹt xích ấn. Phía sau đầu và gáy vẹt xích thái có màu xanh lam.
Vẹt xích thái có chiều dài khoảng 56cm , cân nặng khoảng 200 – 300g (một số cá thể trong tự nhiên lai với ringneck sẽ có thể trạng nhỏ hơn mức thông thường), chiếc mỏ màu đỏ, chân màu vàng, bộ lông chủ yếu màu xanh lá cây, bụng màu vàng xanh, phía trên của đuôi chuyển dần từ màu xanh lá cây sang màu xanh lam ở phía dưới, và có màu vàng ở chóp cuối đuôi, mặt dưới của lông đuôi có màu vàng, phía trên 2 cánh có mảng màu đỏ. Khi trưởng thành con trống có vòng cổ màu hồng, con mái không có.
2. Đặc điểm tính cách vẹt xích thái
Là một loài vẹt cọc tính, nhưng rất thích học hỏi và bắt chước theo tiếng người, vẹt xích thái thông minh, nói tốt, nhớ được khá nhiều câu từ. Ngoài ra chúng còn hay huýt sáo, học theo tiếng kêu của các loài vật khác và âm thanh của môi trường xung quanh.
Vẹt xích thái thỉnh thoảng hét lên những âm thanh kêu gọi đồng loại, nhưng với âm lượng không quá lớn và với tần suất ít, nói chung đây là loài vẹt không quá ồn ào. Nếu vẹt được huấn luyện tốt, thì sẽ nói rất nhiều, chúng sẽ nói suốt ngày chứ không la hét ồn ào.
3. Cách nuôi vẹt xích thái
Xích thái là loài vẹt rất dễ nuôi, vẹt sinh trưởng và phát triển tốt với điều kiện khí hậu của Việt Nam, ít hay bệnh vặt và ăn những thức ăn dễ kiếm, giá rẻ như bắp, lúa, rau củ… Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhốt, để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho vẹt phát triển tốt và thông minh lanh lợi thì các bạn cần kết hợp nhiều loài thức ăn, thức ăn hạt trộn chuyên dùng cho vẹt, các loại hạt kê, hướng dương, kham, láng, ba khía, cám trứng, hạt trái cây nén, trái cây tươi, rau, củ tươi sống…
Đối với vẹt xích thái non thì các bạn nên sử dụng các loại bột chuyên dùng cho vẹt như a19 lúc vẹt còn non, và a21 khi vẹt lúc tập bay và lúc trưởng thành. Khi vẹt còn nhỏ, lúc bắt đầu tập ăn hạt thì các bạn nên bỏ luân phiên các loại hạt, và các loại trái cây sen kẽ mỗi ngày để cho vẹt tập ăn dần, làm như vậy thì lớn lên vẹt sẽ biết ăn nhiều loại thức ăn hơn. Nếu không tập từ nhỏ thì lớn lên vẹt sẽ kén ăn, ăn các loại hạt thường được cho ăn, không ăn trái cây rau củ tươi sống.
Là loài vẹt nhỏ, nhưng đuôi dài, nên vẹt xích thái cần một chiếc lồng cở cho vẹt size trung trở lên, để cho vẹt bay nhảy thoải mái trong lồng, không bị gãy đuôi. Trong lồng nên có nhiều đồ chơi và phụ kiện cho vẹt cắn phá. Tránh đặt lồng nơi ánh sáng chiếu trực tiếp, gió lùa và phòng máy lạnh.
Vì là loài cọc tính, nên các bạn phải thường xuyên cho vẹt ra ngoài chơi hơn những loài vẹt khác, nếu nhốt vẹt thường xuyên trong lồng thì vẹt có thể sẽ bị stress, hoặc quên luôn chủ, dễ xảy ra tình trạng cắn chủ hoặc không quấn chủ, rất nhát. Nhưng nếu được tiếp xúc với người thường xuyên thì vẹt xích thái rất thông minh lanh lợi, nói rất nhiều và rất quấn chủ.
4. Vẹt xích thái giá bao nhiêu
Vẹt xích thái hay vẹt má vàng sống nhiều trong môi trường tự nhiên ở Việt Nam, và rất dễ nuôi sinh sản, nên giá vẹt xích thái khá rẻ. Giá vẹt xích thái trung bình khoảng 2,5 – 3tr đồng. Giá vẹt xích thái có thể chênh lệch tuỳ theo từng thời điểm, và thể trạng của vẹt.
Vẹt sinh sản rất nhiều vào thời điểm trước và sau tết âm lịch, nên các bạn có thể tìm mua ở các shop vẹt vào thời điểm này thì giá vẹt xích thái còn có thể rẻ hơn mức trung bình.
Hy vọng bài viết này cung cấp cho bạn nhiều kiến thức về vẹt xích thái – vẹt má vàng, chúc các bạn tìm được cho mình một chú vẹt thật ưng ý!
Đừng quên subscribe kênh youtube của Dạy Vẹt Nói để xem thêm nhiều video về vẹt và mở cho vẹt nghe để dạy vẹt nói nhé!